62 tuổi đời, 38 tuổi Đảng, 14 năm xông pha chiến trường đã tôi luyện nên “chất lính” trong con người bệnh binh Trần Quang Trung, xóm Tây Sơn, xã Tây Phong huyện Cao Phong. Trở về sau cuộc chiến tranh chống Mỹ với 61% thương tật trên người, ông lại tỏa sáng giữa đời thường bằng nhiều việc làm thiện nguyện đầy ý nghĩa.
Khi đó, xem trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về mưa lũ tại các tỉnh miền Trung gây thiệt hại lớn cho người dân, ông Trần Quang Trung đã tìm hiểu cách để hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào vơi bớt khó khăn. Được lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc huyện hướng dẫn cách thức thực hiện, ông về trao đổi với gia đình, họ hàng và nhận được sự đồng tình, hậu thuẫn đắc lực, đặc biệt là từ người vợ, người đồng đội cùng ông vào sinh ra tử.
Ông đã vận động một số anh em trong Hội Nạn nhân Chất độc da cam của xã tham gia và thành lập ban vận động quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt do ông làm trưởng ban. Để tuyên truyền, vận động người dân quyên góp, ủng hộ, ông đã in một tấm panô treo phía bên ngoài, mua một số tờ giấy Roky khổ A0 và bút để ghi danh sách người ủng hộ, niêm yết công khai ngay trước cửa nhà. Mấy ngày đầu chỉ có rất ít người đến ủng hộ phần vì đây là lần đầu tiên một chương trình thiện nguyện do chính người dân địa phương đứng ra tổ chức, phần cũng vì nhiều người còn hoài nghi về tính xác thực của chương trình.
Thấy hiệu quả của chương trình chưa cao, ông đã chủ động thuê xe đi vận động tại nhiều xã trên địa bàn huyện. Vất vả, gian nan nhưng vì “khúc ruột” miền Trung, ông cũng như nhiều anh em trong đoàn vẫn không quản ngại mưa gió đến tận các bản làng vùng sâu, vùng xa để quyên góp với tinh thần “lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Sau 6 ngày vận động quyên góp, ông đã tiếp nhận được hơn 12,6 triệu đồng tiền mặt, 1.710 kg gạo tẻ, 217 thùng mì tôm, 170 thùng quần áo cùng nhiều vật phẩm có giá trị khác của 215 người ủng hộ.
Khi vận động được đủ số hàng cần thiết, ông cùng 24 anh em trong đoàn lên đường vào miền Trung. Sau 2 ngày, 1 đêm, đoàn đã đến với xã Gia Phố, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Được sự giúp đỡ nhiệt tình của các đồng chí lãnh đạo xã Gia Phố, ngay sáng hôm sau đoàn đã đến tận nơi vùng “rốn lũ” trao tận tay những phần quà giá trị và ý nghĩa cho bà con nhân dân trong xã. Ông Trung xúc động kể lại: Được trao tận tay những bao gạo, những thùng mì tôm cho bà con, chúng tôi xúc động lắm. Nhiều anh em trong đoàn không cầm nổi nước mắt. Nhiều nơi, người già, trẻ nhỏ nheo nhóc, chênh vênh trên những mái nhà còn ngập nước. Tôi còn nhớ cụ già khoảng hơn 70 tuổi, tay run run bóc gói mì tôm đưa cho cháu gái nhai ngấu nghiến. Nhìn cảnh đấy, chúng tôi ai cũng xót hết cả lòng, chỉ mong sao cơn lũ sớm qua đi cho bà con đỡ khổ.
Trở về Cao Phong, ông lại tiếp tục vận động nhân dân ủng hộ đồng bào miền Trung với điểm đến tiếp theo là xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình). Đây là địa phương có 216 nhà dân bị ngập lũ, một số nơi bị chia cắt cục bộ. Chỉ trong vòng 4 ngày vận động, đoàn đã tiếp nhận được gần 4 tấn gạo, 170 thùng mì tôm và 13 triệu đồng tiền mặt. Ngày 10/11/2016, toàn bộ số quà trên được đoàn trao đến tận tay người dân xã Thạch Hóa. Không chỉ dừng lại ở đó, trong đợt mưa lũ lịch sử hồi đầu tháng 8/2017, ông cùng anh em trong đoàn đã đi vận động, quyên góp được 100 triệu đồng ủng hộ đồng bào vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái).
Cuộc sống của gia đình ông không thuộc diện khá giả; song với tấm lòng, trách nhiệm với cộng đồng, ông Trần Quang Trung cùng Đoàn thiện nguyện đã có những chuyến hàng tình nghĩa của bà con nhân dân Cao Phong đến với “khúc ruột miền Trung” hay vùng cao Mù Cang Chải. Những hoạt động thiện nguyện đầy tính nhân văn như của ông Trần Quang Trung là điều rất đáng quý và rất đáng được biểu dương, trân trọng và nhân rộng.
Ban Tuyên giáo Huyện ủy Cao Phong
|