Ngày 01/02/2025, tức ngày 4 tháng giêng năm Ất Tỵ, huyện Lạc Thuỷ tổ chức lễ khai hội chùa Tiên năm 2025. Dự lễ khai hội có Đ/c Nguyễn Phi Long - Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; Đ/c Bùi Đức Hinh - Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Đ/c Nguyễn Văn Quang - Nguyên Phó Bí thư Tỉnh uỷ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh; Các đồng chí Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ; Lãnh đạo các ban, sở, nghành của tỉnh; Nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Thượng toạ Thích Đức Nguyên - Trưởng ban trị sự giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Hoà Bình; Lãnh đạo các huyện bạn trong và ngoài tỉnh; Thường trực Huyện uỷ, HĐND, lãnh đạo UBND huyện Lạc Thuỷ, các đ/c nguyên là lãnh đạo huyện qua các thời kỳ; lãnh đạo các ban, phòng, nghành, các xã thị trấn và đông đảo du khách thập phương.
Lễ hội Chùa Tiên huyện Lạc Thủy là hoạt động văn hóa tín ngưỡng dân gian truyền thống, có vai trò quan trọng trong đời sống của Nhân dân, là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Lễ hội có nguồn gốc từ xa xưa, được phục dựng và duy trì tổ chức hàng năm nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; góp phần phát huy tinh thần đại đoàn kết của các dân tộc, quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa và thúc đẩy phát triển du lịch của huyện Lạc Thủy và tỉnh Hòa Bình.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, Lễ hội Chùa Tiên đã đi vào tiềm thức của người dân, là không gian bảo tồn, gìn giữ nhiều giá trị tốt đẹp, là nơi kết tinh, hội tụ di sản văn hóa, lịch sử, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân và du khách về tham gia. Lễ hội chứa đựng nhiều nét văn hóa đặc sắc của người Mường Hòa Bình, là niềm tự hào của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình nói chung, người dân huyện Lạc Thủy nói riêng. hàng năm đã thu hút hàng trăm nghìn lượt người đến tham quan, vãn cảnh, tạo cho lễ hội thêm náo nức, vui tươi.
Quần thể Hang động khu vực Chùa Tiên được xếp hạng di tích Quốc gia năm 2011 với 21 điểm di tích thuộc nhiều loại hình: Di tích lịch sử văn hoá, di tích thắng cảnh, di tích khảo cổ; mỗi loại hình đều mang giá trị văn hóa, lịch sử riêng biệt. Đến với lễ hội Chùa Tiên, Nhân dân và du khách không chỉ được tham gia các sinh hoạt tín ngưỡng đã có từ lâu đời mà còn được thưởng ngoạn thế giới nhũ đá với những hình thù kỳ lạ, hấp dẫn; được hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên của vùng núi non, hang động với những huyền tích từ thời Đẻ đất đẻ nước; được tìm hiểu về lối kiến trúc có sự hòa quyện văn hóa Việt - Mường, được chìm đắm vào một không gian văn hóa tâm linh độc đáo của các nghi lễ truyền thống; đặc biệt là được dâng hương lễ Phật để cầu mong may mắn, bình an, hạnh phúc cho người thân và gia đình; được thể hiện sự tôn kính đối với những vị thần có công với làng, với nước, đã luôn che chở, mang đến mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, muôn dân được an lành, no ấm như: Tam vị Tản viên Sơn Thánh; Nam hải Tứ vị Thánh Nương, Mẫu tổ Âu Cơ… .
Lễ hội chùa Tiên còn là dịp để chúng ta ôn lại những nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam, tưởng nhớ những bậc tiền nhân đã có công khai phá và tạo dựng nên những vùng đất, miền quê sơn thuỷ hữu tình. Với sự quan tâm đầu tư của tỉnh và huyện. Khi du lịch Chùa Tiên huyện Lạc Thuỷ ngày càng phát triển, đổi mới, thu hút đông đảo du khách gần xa về tham quan, vãn cảnh, lễ phật, lễ mẫu cầu may mắn phúc lộc ngay những ngày đầu xuân
Bên cạnh lễ khai hội được tổ chức quy mô, hoành tráng. Huyện Lạc Thuỷ đã tổ chức hội chợ Xuân. Tham gia hội chợ có gần 20 gian hàng có sự tham gia của các xã thị trấn, các nghành của huyện và các hộ kinh doanh trên địa bàn huyện. Tại các gian hàng đã trưng bày và bán các sản phẩm đặc trưng của địa phương, các sản phẩm đã được cấp văn bằng bảo hộ và các sản phẩm OCOP. Thu hút đông đảo du khách đến tham quan, mua sắm.
Song song với lễ khai hội, hàng loạt các hoạt động văn hoá, thể thao đã được diễn ra như: Thi đấu bóng chuyền, các trò chơi dân gian như nhảy sạp, đánh đu, ném còn diễn ra hết sức sôi nổi, kịch tính trong khí thế vui tươi, phấn khởi của những ngày đầu xuân mới. Thu hút đông đảo nhân dân đến xem, cổ vũ. Đồng thời quảng bá đến du khách về vẻ đẹp của quần thể danh thắng và sự hiếu khách của người dân nơi đây. Thông qua các hoạt động của lễ hội chúng ta sẽ cảm nhận một cách sâu sắc về sự lan tỏa mạnh mẽ của giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống tinh thần của Nhân dân.
Cũng trong ngày mùng 4 tháng giêng, Tuyến cáp treo Hương Bình nối từ khu du lịch Chùa Tiên sang Chùa Hương chính thức được đưa vào vận hành, bán vé phục vụ du khách. Đây là dự án nằm trong tổng thể dự án thung lũng suối nguồn Hương Bình, do tập đoan Thái Bình Dương làm chủ đầu tư với tổng chiều dài gần 3 km, tuyến cáp treo như một dải lụa vắt qua dãy núi Hương Sơn, kết nối giữa các vùng lễ hội. Tuyến cáp treo Hương Bình sử dụng công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới, có công suất thiết kế 10.000 lượt khách/ ngày. Rút ngắn thời gian di chuyển từ khu du lịch Chùa Tiên sang khu du lịch Chùa Hương 60 phút đường bộ, xuống còn 10 phút bằng cáp treo.
Lễ hội Chùa Tiên được tổ chức thường niên sẽ góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc tham gia giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước; đồng thời, quảng bá sản phẩm du lịch của địa phương đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế./.
Hà Chung ( TTVHTTTT Lạc Thuỷ)